Trích bài từ facebook Bs Võ Xuân Sơn: https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/711964718960657
“MÓC TÚI”, LẠM DỤNG BHYT
Đọc bài “Lật tẩy chiêu “móc túi” BHYT” đăng trên báo NLĐ, tôi không khỏi giật mình. Nếu chúng tôi mà khám bảo hiểm y tế (BHYT), chắc chắn chúng tôi sẽ bị qui vào tội “móc túi” BHYT, vì ở chỗ chúng tôi, 100% khám Tai – Mũi – Họng là bằng nội soi.
Cách đây khoảng 1 năm, báo chí rộ lên thông tin về vụ các bác sĩ bỏ qua một con rết trong tai bệnh nhân. Khi đó, tôi đã nói đến việc cần phải sử dụng những tiến bộ khoa học để hạn chế sai sót y khoa. Rõ ràng, việc sử dụng nội soi trong khám Tai – Mũi – Họng mang lại lợi ích cho người bệnh. Nhưng, nó lại được BHYT cho là lạm dụng, là “móc túi”.
Bài báo lấy ví dụ về một người khám 27 lần trong 1 tháng để lí giải cho việc bội chi 2.152 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016. Không biết BHYT có thể chỉ ra bao nhiêu người đi khám bệnh kiểu ấy, và BHYT đã làm gì ngoài việc bắt toàn bộ những người hưởng BHYT phải tuân thủ cách quản lí mà họ có thể nghĩ ra để tránh những trường hợp như vậy?
Bài báo cũng lấy vụ Phòng khám Đa khoa Phương Nam (Cà Mau) để làm điển hình về vụ lạm dụng BHYT. Tôi không biết phòng khám đó lạm dụng như thế nào, nhưng chắc chắn là BHYT có người theo dõi hoạt động chi trả BHYT của phòng khám đó, nhưng họ đã chẳng làm gì cho đến khi báo chí đưa tin.
Ngoài ra, không biết ở Việt nam có bao nhiêu cơ sở khám BHYT được “ưu ái” như vậy? Và có bao nhiêu cơ sở bị BHYT từ chối, không cho tham gia BHYT, với lí do là BHYT không cần đến họ, hoặc doanh thu của họ không đủ để BHYT cử nhân viên đến giám sát...? Đấy là chưa kể những tin đồn về việc phải có “gì đấy” mới được hợp đồng với BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xót xa khi có cơ sở giảm giá đến 30% cho bệnh nhân tái khám, và người dân thấy lợi sẽ đi khám bệnh. Ngoài việc xót xa khi bệnh nhân được hưởng lợi, ông còn coi đó là lí do để cho rằng những cơ sở ấy lạm dụng BHYT.
BHXH tỉnh Quảng Nam cho rằng việc bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương hằng ngày có nhiều chuyến xe đón bệnh nhân có thẻ BHYT từ các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước... đến khám, chữa bệnh và sau đó đưa bệnh nhân về lại nhà, là hình thức trục lợi quỹ BHYT.
Như vậy, bao nhiêu tiến bộ trong y học, mang lại lợi ích cho người bệnh, đều bị BHYT cho là trục lợi, lạm dụng BHYT. Và BHYT đã can thiệp vào công việc chuyên môn của y tế khi cho rằng việc nội soi Tai – Mũi – Họng nhiều là lạm dụng. Thậm chí, BHYT còn kết tội các cơ sở y tế lạm dụng quĩ BHYT khi họ áp dụng những hình thức giảm chi phí hoặc tặng thêm cho người bệnh lợi ích gia tăng, trong khi pháp luật không cấm.
Ở tất cả các nước, người ta đều chú ý đến việc tầm soát, phát hiện bệnh từ khi mới mắc. Trên thực tế, việc tầm soát phát hiện bệnh sớm giúp người bệnh được chữa bệnh kịp thời, đồng thời, chi phí khám chữa bệnh sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
Tuy nhiên BHYT của Việt nam không chấp nhận chuyện này. Tất cả các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng mang “hơi hướng” của việc tầm soát đều bị xuất toán. Như vậy, BHYT bắt buộc y tế phải để cho bệnh nhân nặng mới được phép cứu chữa.
Việc này rất phản khoa học, vì nếu phát hiện bệnh sớm, khả năng sống sót và không để lại di chứng sẽ cao hơn nhiều so với chữa khi bệnh nặng. Nó cũng làm tăng chi phí, do chữa bệnh ở giai đoạn muộn thường có chi phí cao hơn rất nhiều so với tầm soát và trị bệnh sớm. Ngoài ra, quyết định không chi trả cho tầm soát sức khoẻ là rất phi đạo đức, nó ngăn cản việc người tham gia BHYT được chăm sóc y tế tốt hơn.
Đồng ý là có những trường hợp lạm dụng BHYT, có vài bệnh nhân khám 27 lần 1 tháng. Nhưng nếu lấy đó làm cơ sở để lí giải cho việc bội chi 2.152 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016, thì cần phải xem lại. BHYT cần phải nâng cao năng lực nhân sự, làm trong sạch bộ máy của mình, hoàn thiện hệ thống thông tin... thay vì đổ lỗi cho y tế, rồi từ đó đưa ra những chính sách khống chế y tế, giảm lợi ích cho người bệnh.
Đối với những người, và những cơ sở thực sự “móc túi” BHYT, cần phải truy tố họ nếu mức độ xâm hại đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc xử lí hành chính, trong đó có việc cấm sử dụng BHYT trong một thời gian nhất định. Song song đó, cần phải có biện pháp xử lí đối với nhân viên của BHYT giám sát cơ sở sai phạm, cùng với cấp trên của họ. Một mình cơ sở y tế hay bệnh nhân không thể “móc túi” BHYT được.
“Tiền người ta quản lý nên ai sử dụng mà người ta không vừa lòng thì trừ thôi. Tôi tranh cãi với họ ghê lắm nhưng không được”. Trích lời ông Trần Công Ân, Giám đốc BV Đa khoa Vĩnh Đức.
Nhận xét